Nếu Anh rời EU!

Thứ ba, 09/06/2015 10:31

(Cadn.com.vn) - Vương quốc Anh đang vướng phải bài toán đau đầu là có nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về khả năng London rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay không.

Vấn đề này trở thành đề tài bàn luận nổi bật trong các cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Anh David Cameron và nhiều nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Đức. Tại buổi hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông chủ Nhà Trắng đề nghị Thủ tướng Cameron cân nhắc kỹ về khả năng tổ chức trưng cầu ý dân.

Ông Obama bày tỏ lo ngại việc London rời khỏi EU sẽ đe dọa sự ổn định của EU cũng như cả Châu Âu. Trong động thái được đánh giá là “gây áp lực” lên London, ông Obama nhấn mạnh, nếu Anh không còn trong EU thì Mỹ cũng khó có thể duy trì ảnh hưởng tích cực đối với liên minh này và cả thế giới như hiện nay.

Dường như những lời khuyên chân thành của ông chủ Nhà Trắng càng củng cố quyết tâm của ông chủ Nhà số 10 Phố Downing. Trong tuyên bố đưa ra sau đó, Thủ tướng Anh cảnh báo các bộ trưởng phải ủng hộ việc ở lại EU nếu không sẽ phải rời khỏi chính phủ. “Nếu muốn là một phần trong chính phủ thì các bộ trưởng phải ủng hộ quan điểm là chúng ta sẽ thương lượng lại để tiến hành trưng cầu dân ý dẫn đến kết quả thành công”, ông Cameron nói bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Hiện nay, trong nội bộ đảng Bảo thủ của nhà lãnh đạo này xuất hiện những dấu hiệu phản đối kế hoạch trưng cầu ý dân này trong bối cảnh ông Cameron cam kết nỗ lực vận động để Anh ở lại EU. Một nhóm gồm hơn 50 nghị sĩ từng tuyên bố sẽ đi đầu các nỗ lực kêu gọi Anh rời khỏi khối này nếu Thủ tướng Cameron không nhận được những nhượng bộ quan trọng từ EU.

Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU trước năm 2017. Giới quan sát lo sợ, người dân sẽ ủng hộ việc rời khỏi liên minh này. Vậy nếu Anh rời khỏi EU thì sẽ có gì thay đổi.

Thứ nhất là vấn đề đi lại, sinh sống làm việc ở các nước. Du khách người Anh đến với phần còn lại của EU sẽ không còn được “tự do đi lại” trừ khi London sẵn sàng đồng ý vẫn duy trì đầy đủ việc tự do di chuyển của người dân giữa Anh và EU. Công dân Anh hiện có thể di chuyển dễ dàng đến một nước EU để sinh sống, làm việc. Nhưng nếu rời khỏi EU, người dân Anh sẽ phải đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn để nhận được một giấy phép lao động, thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu và đưa các thành viên trong gia đình đến sống cùng.

Thứ hai là việc mua nhà, tiêu dùng... Các nước EU có thể cấm các công dân Anh mua căn nhà thứ hai ở nước họ sau khi London rời EU. Hiện nay, luật EU quy định hoàn lại tiền hoặc các biện pháp khác đối với người tiêu dùng, chẳng hạn như trong trường hợp liên quan đến sản phẩm bị lỗi, các điều khoản hợp đồng bất công hoặc các chuyến bay bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Nhưng nếu rời EU, người Anh sẽ không còn được hưởng quyền lợi này.

Thứ ba là vấn đề tội phạm. Các biện pháp của EU trong việc truy nã, tìm kiếm tội phạm khiến việc dẫn độ tội phạm giữa các nước dễ dàng hơn. Nhưng nếu Anh rời EU, nhiều nước trong liên minh này có thể sẽ từ chối dẫn độ công dân đến Vương quốc Anh.

Khả Anh