Nghĩa tình đồng đội
Đứng dọc hành lang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Sang - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Nam đỏ mắt nhìn dòng người vội vã, lòng đầy lo lắng. Trong những bước chân đó, có những người đang khẩn trương đến để hiến tiểu cầu cứu con anh. Đã hơn 10 ngày qua, anh Sang và gia đình thay phiên nhau túc trực chăm nom cháu Nguyễn Thị Thảo Nguyên (9 tuổi) bị bệnh nặng, cần lượng lớn tiểu cầu để điều trị.
|
Đại úy Nguyễn Huy Linh và Thượng sĩ Thanh Hải hiến tiểu cầu cứu cháu Nguyên. |
Khi phát hiện cháu Nguyên có triệu chứng sốt cao và đau cơ, anh Sang và vợ là chị Nguyễn Thị Phương Thảo (đang công tác tại Phòng Hậu cần, CATP Đà Nẵng) tức tốc đưa cháu đi khám. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ thông báo cháu Nguyên bị sốc nhiễm trùng máu do vi khuẩn tụ cầu vàng-một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, cần phải được điều trị khẩn trương. Nghe thông tin cần lượng lớn máu và tiểu cầu, hai vợ chồng anh Sang bối rối, lo lắng chẳng biết bám víu vào đâu. Trong thời điểm "ngàn cân treo sợi tóc" đó, anh nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ của hai đơn vị. Nhờ vào sự vận động của cán bộ chiến sĩ hai đơn vị, nhất là sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội, danh sách người tình nguyện hiến ngày càng dài lên trong niềm vui và xúc động. Trong số đó, tình nguyện viên đa phần là đồng đội đang công tác trong lực lượng Công an.
7 giờ sáng ở khoa xét nghiệm, hàng dài người ngồi chờ đến lượt xét nghiệm. Nhiều gương mặt còn ngái ngủ vì đêm qua trúng ca trực. Khi nhận được cuộc gọi lúc sáng sớm, Đại úy Nguyễn Huy Linh - Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng nhiều đồng đội khác bật dậy vội vàng chạy vào bệnh viện để làm xét nghiệm. Anh là một trong những người có nhóm máu B+ đã đăng ký hiến tiểu cầu giúp cháu Nguyên vượt qua cơn bạo bệnh. Tuy nhiên, không phải ai có nhóm máu B+ cũng đủ điều kiện để hiến tiểu cầu. Nhiều lần anh qua chờ đến lượt để xét nghiệm nhưng đành ra về vì đã đủ người. Cũng như những lần trước, sáng 20-8, anh nhận được cuộc gọi từ bố của cháu Nguyên nhưng vì có cuộc họp quan trọng triển khai phương án PCCC&CNCH cấp quốc gia nên đã vận động 2 đồng đội khác qua hỗ trợ cháu Nguyên. Trong lúc đang họp, anh nhận được thông tin đã có 5 người đến xét nghiệm nhưng chỉ mới có 1 người đủ điều kiện. "Vẫn còn thiếu 1 người nữa, anh qua xét nghiệm đi", nghe câu thúc giục của đồng đội, Đại úy Nguyễn Huy Linh quyết định bỏ dở cuộc họp để qua bệnh viện làm xét nghiệm.
Tức tốc vào bệnh viện thì thấy có thêm 1 thanh niên khác đang ngồi chờ đến lượt lấy máu. Để kịp thời gian, anh lập tức xin xét nghiệm trước để về tiếp tục cuộc họp, nếu kết quả phù hợp sẽ quay lại hiến. Lấy máu xong, anh lại vội vàng quay lại cơ quan mà không chờ kết quả của bác sĩ. "Lúc đó là 9 giờ 30, may mắn là vẫn kịp thời gian để nghe ý kiến chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của lãnh đạo", Đại úy Linh chia sẻ.
Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, Đại úy Nguyễn Huy Linh nhận được cuộc gọi thông báo đủ tiêu chuẩn để hiến tiểu cầu. Anh Linh cho hay, đã nhiều lần hiến máu nhân đạo, vận động đoàn viên cùng tham gia nhưng đây là lần đầu tiên anh hiến tiểu cầu trực tiếp cứu người. So với hiến máu, việc hiến tiểu cầu nhọc nhằn hơn nhiều. Máu được hút ra, qua sàng lọc lấy đi tiểu cầu trong máu rồi máu được bơm trở lại cơ thể. Thời gian vì thế cũng lâu hơn và người hiến cũng mệt hơn.
Nằm ở giường bên cạnh, Thượng sĩ Đặng Thanh Hải - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng lần đầu hiến tiểu cầu. Anh đến từ sớm, lấy máu để xét nghiệm rồi mới đi ăn sáng. Bác sĩ dặn không được ăn nhiều thịt, mỡ vì máu sẽ đục, ảnh hưởng đến việc sàng lọc tiểu cầu nên anh chỉ ăn tạm ổ bánh mỳ qua bữa. "Nhiều lần nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm, mình lại khoác vội cái áo chạy vào bệnh viện. Mặc dù đến nơi nhận được thông báo đủ người nhưng lòng vẫn cảm thấy vui. Sáng nay thì cũng đã hiến được, góp một giọt máu đào để cứu cháu Nguyên nên càng vui hơn", Thượng sĩ Đặng Thanh Hải bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Sang cho biết thêm, sau khi thông tin cháu Nguyên bị bệnh hiểm nghèo, gia đình nhận được sự hỗ trợ hết mình từ đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện và đặc biệt là từ các đồng đội. Hơn 10 ngày điều trị, cháu Nguyên nhận được gần 20 đơn vị tiểu cầu để lọc máu. Hơn 50 người đã tình nguyện đến xét nghiệm máu, trong đó đa phần là những đồng đội ở rất nhiều đơn vị khác nhau của CATP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. "Cháu Nguyên vẫn nằm trong phòng điều trị tích cực nhưng sức khỏe có phần tiến triển tốt hơn. Gia đình rất biết ơn tình cảm, những giọt tiểu cầu quý giá của tình nguyện viên, của đồng đội", anh Sang xúc động.
MAI VINH