Người dân lại điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt

Thứ năm, 14/06/2018 12:56

Tình trạng tiêu chết hàng loạt trên địa bàn các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước (Quảng Nam) khiến người dân điêu đứng nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục thì nay nhiều hộ dân trồng tiêu tại H. Phú Ninh tiếp tục đối mặt với nguy cơ trắng tay vì tiêu chết. Ước tính tổng thiệt hại lên đến vài tỷ đồng, trong đó, có hộ thiệt hại gần 500 triệu đồng.

Người dân điêu đứng vì tiêu chết khô trước kỳ thu hoạch (ảnh lớn) và nhiều cây tiêu bị thối rễ, chết dần do nấm (ảnh nhỏ).

Ông Nguyễn Công Lý, cán bộ phụ trách nông nghiệp thị trấn Phú Thịnh (H. Phú Ninh) cho hay, tình trạng tiêu chết đã khiến bà con nông dân lâm cảnh khốn đốn, nợ nần. Nhiều gia đình vay mượn, tích góp nhiều năm qua đều đổ dồn vào việc trồng tiêu mong phát triển kinh tế nhưng bây giờ cũng đành chua chát nhìn tài sản bị mất mà không có phương án khắc phục hiệu quả. Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chết hàng loạt là do bị bệnh nấm dẫn đến khô lá, thối rễ. Riêng trên địa bàn thị trấn Phú Thịnh có đến hơn 20 hộ có tiêu bị chết, tổng diện tích  hơn 1ha.

Ông Trần Văn Khởi (trú thị trấn Phú Thịnh) dắt chúng tôi thăm vườn tiêu với vẻ mặt buồn rầu. Ông nói: “Ban đầu cứ tưởng chết vài cây thì còn chấp nhận được chứ bây giờ số tiêu chết cứ tăng lên từng ngày mà không thể ngăn lại thì coi như trắng tay”. Theo tính toán của ông Khởi, nếu tình trạng tiêu chết cứ tiếp diễn thì ông mất chừng 400 triệu đồng, đấy là toàn bộ tài sản gia đình ông vay mượn, tích góp cũng như công sức chăm sóc tiêu mấy năm qua.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Khởi, gia đình bà Lê Thị Lan (trú thị trấn Phú Thịnh) cũng đang “đau đầu” với việc tìm hướng khắc phục tình trạng tiêu chết. Bà Lan trình bày, gia đình bà đầu tư trồng hơn 500 choái tiêu, sắp đến kỳ thu hoạch nhưng tiêu lại xuất hiện tình trạng khô lá, thối rễ rồi chết dần. Vườn tiêu của bà Lan được bà “bơm” với số vốn không hề nhỏ, cả hai vợ chồng ngày đêm chăm bón nhưng với tình trạng tiêu bị bệnh nấm thì hiện tại bà cũng chưa có cách gì khắc phục. “Cứ chứng kiến cảnh tiêu chết hằng ngày mà không cách gì ngăn lại khiến  tôi thật sự đau xót. Biện pháp trước mắt là nhổ bỏ cây chết, cách ly ra khỏi vườn tiêu nhưng cũng không thể tái đầu tư lại ngay được. Bởi, với tiêu phải trồng vài năm mới có thể thu hoạch. Chưa kể đến là số vốn tái đầu tư quá cao nên chúng tôi cũng chẳng biết làm cách nào xoay xở”, bà Lan nói.

Với giá trị kinh tế cao tiêu được xem là cây thoát nghèo và được các cấp, ngành cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Nam định hướng cho người dân mở rộng diện tích trồng. Những năm qua, cây tiêu cũng đã mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân. Tuy vậy, thời gian gần đây, tình trạng tiêu chết đã khiến người dân khốn đốn, cuộc sống trở nên bấp bênh. Để có thể trồng một cách bài bản, chăm sóc đúng khoa học nhiều hộ dân trên địa bàn Quảng Nam đã chịu khó vào tận những vùng trồng tiêu có tiếng tại Tây Nguyên để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và tìm mọi cách để huy động vốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Dù vậy, theo ghi nhận trong nhiều lần có mặt, nắm bắt nguyện vọng người dân khi tiêu bị chết thì bây giờ họ đã thật sự “đuối sức”, không đủ khả năng cũng như kiên nhẫn chờ đến một ngày cây tiêu sẽ thay đổi đời sống của họ. Ông Võ Thanh Anh, Trưởng phòng NN&PTNT H. Phú Ninh cho biết, tình trạng tiêu chết trên địa bàn huyện đã diễn ra từ năm 2016. Những năm qua người dân vẫn tìm mọi cách để có thể duy trì việc trồng tiêu. Nguyên nhân dẫn đến việc tiêu chết là do bệnh nấm, đây là bệnh khiến cây tiêu chết rất nhanh, dễ lây lan nhưng khó khắc phục, ngăn chặn.

Trong khi đó, cũng theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện xảy ra tình trạng tiêu chết như: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước thì điều quan trọng trước mắt các hộ trồng tiêu nên làm là nhổ bỏ cây tiêu đã chết, cách ly với vườn tiêu và thường xuyên vệ sinh môi trường, phòng chống sâu bệnh. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng nấm là do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi làm nấm sinh sôi, nảy nở. Hiện, đối với những gốc tiêu đã chết, các ngành chức năng khuyến cáo người dân nên nhanh chóng dọn dẹp, đào rễ lên gom lại rồi xử lý. Đối với những cây tiêu còn xanh thì tiếp tục tưới nước, bón phân cho phù hợp để kích thích ra rễ; xây dựng lại hệ thống thoát nước ổn định cho vườn tiêu.

Về lâu dài, chúng tôi thiết nghĩ, để khắc phục dứt điểm tình trạng tiêu chết gây thiệt hại lớn về kinh tế, các cơ quan chức năng liên quan cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần quan tâm, có những định hướng, giúp đỡ người dân, cũng như cần phải sớm tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.

PHI NÔNG