Nhiều quy định để cử tri lựa chọn được đại biểu tài, đức
Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một sự kiện chính trị trọng đại sắp diễn ra trong năm 2021. Chúng tôi có buổi trao đổi cùng ông Dương Đình Liễu - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bầu cử TP Đà Nẵng về những quy định mới trong việc tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
![]() |
Ông Dương Đình Liễu - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bầu cử TP Đà Nẵng. |
P.V: Xin ông cho biết, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những quy định nào mới so với những lần bầu cử trước đây?
Ông Dương Đình Liễu: Bầu cử lần này so với những lần bầu cử trước đây có rất nhiều điểm mới. Cụ thể, đối với địa bàn TP Đà Nẵng chỉ duy nhất cử tri huyện Hòa Vang thực hiện bầu 4 cấp, gồm: đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp thành phố, cấp huyện và xã. Riêng cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn chỉ bầu 2 cấp là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp thành phố.
Về tiêu chuẩn, ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là người có duy nhất 1 quốc tịch Việt Nam; đối với người được dự kiến ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri mà không đạt sự tín nhiệm của 50% số cử tri tham gia hội nghị nơi công tác thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác thay thế. Trong trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của 50% số cử tri tham gia hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Về số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được tăng 5% so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tại điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tăng lên ít nhất 40%. Riêng về số dư tại mỗi đơn vị bầu cử cũng có những thay đổi theo hướng tăng thêm khi tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Cụ thể, đối với đơn vị bầu cử bầu 3 đại biểu phải có số dư ít nhất là 3 người (trước đây là 2 người); đối với đơn vị bầu cử bầu 4 đại biểu phải có số dư ít nhất là 4 người (trước đây là 3 người).
P.V: Về cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND có gì thay đổi?
Ông Dương Đình Liễu: Vấn đề này cũng có những thay đổi theo hướng quan tâm đến cơ cấu số đại biểu là nữ, trẻ tuổi… Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, điều 2, Nghị quyết 1187 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp rất quan tâm đến cơ cấu số lượng đại biểu nữ khoảng 30% (trước đây không quy định), những người có độ tuổi dưới 40 tuổi, người dân tộc thiểu số, người không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản được tham gia ứng cử và giảm tỷ lệ người ứng cử đang đảm nhiệm các chức vụ ở các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, quy trình tổ chức công tác hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hình thức tổ chức hội nghị hiệp thương có thể sử dụng gửi giấy mời qua zalo, email, viber, tin nhắn hoặc điện thoại. Trong trường hợp số đại biểu tham dự trực tiếp không đạt nửa số lượng đại biểu triệu tập thì có thể áp dụng hình thức hội nghị trực tuyến hoặc gửi Phiếu lấy ý kiến đến các thành phần được mời. Với những quy định mới này, hy vọng cử tri có đủ điều kiện để lựa chọn cho mình 1 đại biểu vừa tài vừa đức.
P.V: Xin cám ơn ông!
M.T (thực hiện)