Nỗi niềm lính chữa cháy, cứu nạn trên sông

Thứ sáu, 12/10/2018 10:23

Vượt qua nỗi sợ hãi

Cách đây 2 năm, vụ tai nạn chìm tàu Thảo Vân trên sông Hàn khiến người dân thành phố Đà Nẵng một đêm thức trắng. Vào khoảng 20 giờ 30, nhận được tin từ trung tâm chỉ huy, CBCS đội PCCC & CNCH trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH CATP Đà Nẵng) trong kíp trực nhanh chóng đem theo các dụng cụ cứu nạn cứu hộ xuống ca nô đến ngay hiện trường. Ngay sau khi biết được thông tin có 3 người mất tích, suốt đêm ấy, các chiến sĩ phối hợp với lực lượng vũ trang và thợ lặn địa phương tìm kiếm, đến hôm sau mới tìm được thi thể các nạn nhân xấu số cách khu vực chìm tàu vài cây số. Nhiệm vụ kết thúc, các chiến sĩ phần nào cảm thấy nhẹ lòng vì đã tham gia ứng cứu, tìm kiếm nạn nhân, giúp an ủi, động viên thân nhân người đã khuất. Các CBCS nghĩa vụ khi được điều động về đội PCCC & CNCH trên sông được huấn luyện thường xuyên mỗi năm 2 lần. Với đặc thù riêng của đơn vị, các chiến sĩ trước khi tham gia nhiệm vụ đều được huấn luyện bơi lặn, cách xử lý tình huống khi cứu người hay tìm kiếm thi thể nạn nhân. Bùi Đức Đôn-chiến sĩ đội PCCC & CNCH trên sông vẫn còn hồi hộp khi kể lại những lần đưa thi thể lên bờ: "Có khi đi làm nhiệm vụ gặp thi thể mới thì chúng tôi đưa lên rất dễ dàng, nhưng cũng không hiếm những thi thể không còn lành lặn vì ngâm nước lâu. Nhưng cứ nghĩ đến nỗi buồn đau của thân nhân người bị nạn, tất cả động viên nhau cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi để giúp tìm kiếm người bị nạn".

Anh Phan Văn Nhân tâm sự: mỗi lần đi làm nhiệm vụ vớt thi thể người đuối nước, nhiều người về nhà không nuốt nổi cơm, đêm về chẳng thể nào chợp mắt vì bị ám ảnh. Nỗi niềm ấy chỉ có những người lính cứu hỏa trên sông mới thấu hiểu. Cứ mỗi nhiệm vụ hoàn thành, những thanh niên tuổi mười tám đôi mươi lại hăng say tập luyện để có một ý chí sắt thép đương đầu với mọi thử thách.

Đại tá Lê Hồng Tư - Phó Trưởng phòng phụ trách đội PCCC & CNCH trên sông cùng các chiến sĩ kiểm tra phương tiện, thiết bị để đảm bảo vận hành tốt nhất.

Lính cứu hỏa trên sông

Giặc lửa vẫn luôn ngày đêm rình rập bất cứ nơi đâu, dù là trên bờ hay dưới nước. Khu vực quản lý của đội trên sông tập trung nhiều tàu thuyền neo đậu nên rất nhiều sự cố về hỏa hoạn có thể xảy ra. Bên cạnh công tác cứu nạn cứu hộ, chiến sĩ trên sông vẫn không quên nhiệm vụ sở trường đúng như màu áo khoác lên mình của người lính cứu hỏa. Những ngày đầu thành lập, những người lính nghiệp vụ PCCC thông thường nay được phân công công tác về đơn vị trên sông nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Chữa cháy trên  bộ, các chiến sĩ di chuyển bằng xe chuyên dụng, còn trên sông, phương tiện đưa đón chiến sĩ đến hiện trường là ca nô, xuồng cao tốc. Vì vậy, anh em tại đội PCCC & CNCH trên sông đều được đào tạo thuần thục và được cấp chứng chỉ để có thể điều khiển tốt phương tiện được giao. Khi chữa cháy trên sông, điều khó khăn đầu tiên mà các chiến sĩ phải đối mặt đó là dòng nước chảy. Tàu thuyền gặp nạn không ngừng di chuyển trên mặt nước, đòi hỏi các chiến sĩ phải khéo léo xử lý tay lái liên tục để có thể phun vòi đúng mục tiêu, nhanh chóng dập lửa cứu người và tàu. "Tàu, thuyền neo đậu chủ yếu được đóng bằng gỗ, sử dụng nhiên liệu dầu diesel để vận hành nên khi bị cháy lửa sẽ lan ra rất nhanh nếu không can thiệp kịp thời", Thượng úy Khúc Ngọc Toản chia sẻ.

Không chỉ khó khăn về vận hành phương tiện mà đối với các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy của đội trên sông cũng có đặc thù riêng và được thiết kế lại cho phù hợp. Lợi thế nguồn nước để dập lửa là vô tận, nhưng để lấy nước từ dưới sông lên đều phải dùng máy bơm công suất lớn, phải trụ thật vững trên xuồng và người điều khiển phải biết cách để nước không tràn vào khiến tàu bị lật. Cán bộ đều phải tự mày mò, tìm tòi làm sao cho các dụng cụ sử dụng phù hợp với môi trường làm việc. Thượng úy Trương Long Quý tâm sự: "Vòi chữa cháy trên bộ có thể sử dụng độ dài 20m, nhưng đối với các phương tiện chữa cháy trên sông, anh em đã phải nghiên cứu cắt bỏ bớt chỉ để dài từ 5m đến 10m là đủ đảm bảo vận hành tối ưu nhất". Lính cứu hỏa trên sông luôn phải thích nghi với môi trường làm việc, sáng tạo trong quá trình ứng cứu xảy ra tai nạn. Không giấu nổi niềm tự hào về các CBCS  của mình, Đại tá Lê Hồng Tư, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CNCH khẳng định, lực lượng chiến sĩ phòng cháy tuy còn mỏng, phương tiện, trang thiết bị còn sơ sài nhưng vẫn luôn cống hiến hết mình, sẵn sàng nhập cuộc mọi mặt trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Diệu Huyền