Ông Trump và hai mối đe dọa
Iran và Triều Tiên là những phiên bản cực kỳ khác nhau của cùng một mối đe dọa, và Nhà Trắng đã có những cách tiếp cận khác nhau đối với họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa hưởng một nền kinh tế đang cải thiện, hai trong số các cuộc chiến tranh kéo dài nhất của Mỹ đã hạ nhiệt, và nhóm khủng bố IS đang trên đường bị đẩy lùi. Nhưng ông đã không đánh giá cao một trong những món quà mong manh nhất mà Obama trao cho ông: thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đó là một thỏa thuận thiếu sót ở một số khía cạnh: không thể ngăn chặn hoàn toàn hoặc mãi mãi hành vi trong khu vực của Iran. Nhưng ít ra nó có thể đối phó với vấn đề nguy hiểm nhất: ngăn Tehran theo đuổi việc chế tạo bom nguyên tử trong khoảng một thập kỷ.
Tuy nhiên, ông Trump chỉ nhìn thấy những sai sót của thỏa thuận. Ông đã lắng nghe một nhóm cố vấn mang tư tưởng diều hâu gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu, những người cho rằng hành động cứng rắn của Mỹ có thể đảo ngược hành vi của Iran và làm suy yếu đất nước này.
Sự cố đụng độ tàu chở dầu ở Vịnh Oman trong tuần này đã chỉ ra rằng, dự đoán đó chỉ đúng một nửa. Nền kinh tế của Iran tiếp tục chịu các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng và có thể gặp khó khăn hơn khi quyền miễn trừ liên quan đến dầu mỏ của nước này hết hạn. Nhưng phản ứng cứng rắn của Iran đối với sự cố cùng với việc tuyên bố sẽ tăng tốc làm giàu uranium cho thấy Tehran không sẵn sàng cho việc hạ mình.
Và Mỹ vẫn thích sử dụng một cây gậy lớn, hơn là tập trung vào ngoại giao. Ông Trump tuyên bố ông không thực sự muốn chiến tranh và sẽ sẵn sàng nói chuyện với Tehran, nhưng việc gửi thêm 1.000 quân tới khu vực Trung Đông dường như mâu thuẫn hoàn toàn với thiện chí này. Bất kỳ cuộc xung đột nào của Mỹ với Iran sẽ trở nên lộn xộn, không cân xứng, dài dòng và gây tốn kém cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhưng không nghi ngờ gì, Mỹ sẽ thắng thế với những gì họ coi là kế hoạch ngắn hạn có thể chấp nhận được. Nhưng xem ra, ông Trump không muốn chuốc thêm rắc rối, đặc biệt là với cuộc bầu cử sắp tới gần.
Trong khi đó, tại Triều Tiên, Tổng thống Trump bắt đầu với "lửa và giận dữ", nhưng nhanh chóng nhận ra cuộc xung đột trực tiếp và dữ dội với một cường quốc hạt nhân không ổn định có thể dẫn đến hậu quả như thế nào. Mỹ hoàn toàn nằm trong tầm bắn tên lửa của Bình Nhưỡng. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thành phố gần 10 triệu dân, cũng vậy. Tính toán sai lầm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un có thể giết chết hàng triệu người chỉ trong vài giờ. Vì vậy, ông Trump đã chọn cách thu hẹp khoảng cách thông qua sự thân thiện. Những quan chức thân cận với ông Trump hiểu rõ, nếu ông Trump tiếp tục cách mà ông Obama đã làm thì Bình Nhưỡng khó có thể tự nguyện giải trừ vũ khí, khi mà lợi ích kinh tế cùng với áp lực từ Trung Quốc áp đảo họ. Mỗi năm trôi qua, Triều Tiên lại tiếp tục phát triển kho vũ khí của mình, gần hơn đến điểm mà Washington sẽ không còn có thể phớt lờ được.
Iran thấy rằng, Triều Tiên đã gây ra nhiều ồn ào trong khi vẫn chạy đua với nhiệm vụ chế tạo bom và tên lửa, và phần thưởng cho việc làm đó là một hội nghị thượng đỉnh cá nhân với ông chủ Nhà Trắng. Tehran có thể chắc chắn rằng, đề nghị đối thoại của ông Trump sẽ vẫn có hiệu lực một khi họ được vũ trang tốt hơn. Còn Triều Tiên lại thấy rõ rằng, Mỹ muốn nói chuyện cứng rắn với Iran nhưng không thực sự muốn xung đột. Ông Kim Jong-Un hiểu rằng, ông Trump không muốn chiến tranh với một quốc gia bị cô lập, bị thiệt hại về kinh tế như Iran, quốc gia có mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ nếu xảy ra xung đột quân sự trực tiếp. Vì vậy, chúng ta được chứng kiến một cuộc khủng hoảng trong đó vấn đề ngoại giao được xây dựng cẩn thận đã thất bại bởi các mối đe dọa quân sự rỗng tuếch, và một cuộc khủng hoảng khác trong đó chính sách ngoại giao vụng về đang được áp dụng để cố gắng tránh một mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng và không thể tránh khỏi. Mỗi kẻ thù của ông Trump đang học hỏi từ kinh nghiệm của người kia và Nhà Trắng mới là người kém khôn ngoan.
THÚY NGỌC