Phá án thời công nghệ

Thứ hai, 01/01/2018 19:00

Khi vụ việc xảy ra, để phá được án, các điều tra viên, cán bộ phụ trách sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để điều tra. Ngoài ra, cùng với việc phát triển của công nghệ thông tin, điện thoại thông minh, máy tính bảng, hình ảnh từ camera an ninh... cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác điều tra. Những câu chuyện mà chúng tôi kể sau đây là minh chứng cụ thể.

Vị khách người Hàn Quốc vui mừng khi nhận lại chiếc điện thoại chỉ sau 1 giờ báo mất. 

Phá án bằng smartphone

Thượng úy Nguyễn Thành Nhân - Tổ Phòng chống tội phạm CAP Thạch Thang (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây hơn 1 năm. Khi đó, một nam du khách người Hàn Quốc đến CAP trình báo về việc bị mất một chiếc ĐTDĐ hiệu iPhone 6. Vị khách đó tên là Park Su Jong (1974, quốc tịch Hàn Quốc). Anh Park cho biết, mình di chuyển bằng xe trung chuyển từ Q. Ngũ Hành Sơn về Q. Hải Châu. Khi đến đường Bạch Đằng (P. Thạch Thang) thì anh cùng bạn xuống xe. Tuy nhiên, sau đó anh phát hiện mình mất chiếc điện thoại nói trên. Sau khi phát hiện mất, anh Park Su Jong cùng bạn của mình có nhắn tin, gọi điện vào điện thoại nhưng không nhận được hồi âm.

Nhận tin báo, Thượng tá Lưu Văn Ba - Trưởng CAP Thạch Thang nhanh chóng cử tổ công tác do Thượng úy Nguyễn Thành Nhân xác minh sự việc. Sau vài cuộc gọi vào số điện thoại do anh Park cung cấp, Thượng úy Nhân chỉ nghe chuông đổ mà không có ai trả lời. Vốn là người cũng từng sử dụng điện thoại iPhone nên Thượng úy Nhân nhanh chóng nghĩ đến việc sẽ sử dụng cách định vị chiếc điện thoại qua hệ thống phần mềm của hãng iPhone và sử dụng thêm các ứng dụng tìm kiếm điện thoại của hãng này qua hệ thống i-could hoặc gmail. Đúng như nhận định, chỉ chưa đầy 30 phút sau, tổ công tác của Thượng úy Nhân đã xác định được chiếc điện thoại nói trên đang ở trong một ngôi nhà trên đường Trần Phú và tiến hành làm việc với chủ nhà. Qua làm việc, chủ nhân ngôi nhà này xác nhận có nhặt được một chiếc điện thoại trên taxi, nhưng do nhậu khá nhiều nên ngủ quên, không biết người mất đang tìm kiếm. Sau khi hoàn thiện các biên bản, nhận lại điện thoại, tổ công tác nhanh chóng đưa chiếc điện thoại về giao lại cho anh Park trong sự ngỡ ngàng của anh này. Cầm điện thoại trên tay, anh Park rất đỗi vui mừng và không quên cảm ơn các đồng chí CA.

Cùng với cách thức sử dụng các hỗ trợ trong tìm kiếm điện thoại, trong năm 2017, Thượng úy Nhân và đồng đội còn điều tra, làm rõ 2 vụ trộm điện thoại khác xảy ra trên địa bàn. “Nếu khi sử dụng các loại điện thoại thông minh (smart phone), các bạn nên sử dụng hết các tính năng bảo mật để dễ dàng tìm lại khi xảy ra mất, đánh rơi đâu đó. Đây cũng là cách để hỗ trợ cho lực lượng CA nhanh chóng điều tra các vụ việc, góp phần đảm bảo ANTT nói chung” - Thượng úy Nhân chia sẻ.

Với Thượng úy Phùng Quốc Cương - CAP Hải Châu 2 thì câu chuyện tìm lại chiếc điện thoại của nữ du khách người Hà Lan cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Cụ thể là vào một ngày cuối tháng 2-2017, nữ du khách Floor Mulder (1997, quốc tịch Hà Lan) đến CAP Hải Châu 2 trình báo mất điện thoại hiệu iPhone 6. Lúc này, Trung úy Phùng Quốc Cương trực tiếp nhận tin báo. Thấy vị khách có vẻ hốt hoảng vì không có điện thoại để liên lạc với người thân nên Thượng úy Cương vừa trấn an, vừa sử dụng cách tìm kiếm điện thoại thất lạc để xác định được chiếc điện thoại bị mất. Qua đó, xác định được điện thoại của chị Floor Mulder  đang ở khu vực gần sân vận động Chi Lăng nên tiến hành thu hồi và đưa về trao lại cho người mất. Nhận lại tài sản, chị Floor Mulder gửi lời cảm ơn đến CAP Hải Châu 2 và cho biết sẽ kể lại câu chuyện giúp đỡ tận tình của cảnh sát Việt Nam cho bạn bè.

CAP Hải Châu 1 trích xuất hình ảnh từ camera an ninh để điều tra vụ án.

“Mắt thần” bắt tội phạm

2017 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ công tác xã hội hóa lắp đặt camera an ninh trên địa bàn Q. Hải Châu. Theo số liệu thống kê của UBND Q. Hải Châu, đến cuối năm 2017 đã có gần 17.000 camera an ninh được lắp đặt trên toàn địa bàn quận, trong đó ngoài việc lắp đặt để giám sát trong hộ gia đình, Cty, doanh nghiệp, hàng ngàn camera cũng đã được lắp đặt trên các tuyến phố, kiệt hẻm để giám sát an ninh. Cũng từ hình ảnh camera ghi lại này đã giúp lực lượng CA phá hàng trăm vụ án, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn quận nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Các CBCS CAP Hải Châu 1 vẫn chưa quên câu chuyện phá vụ trộm cắp xe máy từ hình ảnh camera an ninh vào chiều 28 Tết Đinh Dậu (năm 2017). Trong khi người người, nhà nhà đang tất bật chuẩn bị để đón xuân mới thì CAP Hải Châu 1 nhận được tin báo có vụ mất trộm xe máy trị giá khoảng 45 triệu đồng tại K27-Yên Bái (TP Đà Nẵng). Thiếu tá Mai Bá Phước - Phó trưởng CAP Hải Châu 1 nhận định, đây là vụ việc có tính chất phức tạp, tài sản có giá trị lớn nên nhanh chóng báo cáo CAQ Hải Châu, đồng thời cử ngay tổ công tác do Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh và Thượng sĩ Võ Thành Đạt đến hiện trường ghi nhận sự việc và tiến hành truy xét đối tượng.

Qua nắm thông tin của những người dân trong khu vực và trích xuất hình ảnh camera an ninh, Tổ công tác xác định được đối tượng trộm cắp chiếc xe của anh Cường là một nam thanh niên, đội MBH màu đen, mặc áo mưa màu xanh, đi dép lê có viền trắng. Tuy nhiên đối tượng lại bịt kín mặt. Từ những hình ảnh được trích xuất và các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, ngay trong ngày hôm sau, Tổ công tác đã xác định được đối tượng nghi vấn là Trương Văn Trí (1997, trú TT Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) và nhanh chóng đưa về làm việc. Qua đấu tranh, Trí thừa nhận mình là người đã gây ra vụ trộm.

Hình ảnh từ camera an ninh không những phá được án thật xảy ra, mà cả những vụ án “giả” do người dân trình báo cũng được dùng để chứng minh. Đơn cử vào một ngày cuối tháng 11-2017 này, CAP Thạch Thang và Đội CSHS CAQ Hải Châu nhận được tin báo của anh Trần Sỹ H. (1994, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu) về việc bị 2 tên cướp hung tợn dùng dao khống chế để cướp đi 19 triệu đồng ngay trên tuyến đường Bạch Đằng. Trên cổ của H. vẫn in hằn 2 vết thương do vật sắc nhọn gây ra. Xác định đây là một án nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn trung tâm nên CAP Thạch Thang và Đội CSHS tung toàn bộ lực lượng vào cuộc điều tra. Và để nhanh chóng tìm kiếm đối tượng gây án, tất cả hình ảnh camera trên các tuyến đường mà bị hại khai đã từng đi qua được trích xuất. Tuy nhiên, tất cả đều ghi nhận, có hình ảnh bị hại đi qua thật nhưng không hề có người nào đeo bám, khống chế như lời khai ban đầu. Đấu tranh với H. thì anh này mới sợ hãi trình bày, do ham chơi nên khoản tiền học phí của cha mẹ cho đã tiêu hết. Vậy nên H. dựng màn kịch bị cướp tấn công hòng đánh lừa để xin lại tiền của cha mẹ.

Rõ ràng, trong thời đại hiện nay, khi công nghệ đang đổi thay từng ngày thì việc ứng dụng sự thay đổi đó vào cuộc sống cũng hết sức linh hoạt. Và khi công nghệ càng phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc phát sinh nhiều loại tội phạm mới, nhưng với lực lượng điều tra tội phạm thì công nghệ phát triển cũng là cơ hội và mang lại những tiện ích trong quá trình điều tra, khám phá vụ án.

Nguyễn Tuấn