Phải nâng tầm hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ ba, 04/06/2019 12:28

Chiều 3-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì phiên họp thứ nhất năm 2019 của Ban Chỉ đạo, rà soát, xác định các nội dung trọng tâm của hội nhập kinh tế quốc tế, những công việc quan trọng mà Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian gần đây được triển khai trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động thương mại quốc tế phức tạp hơn với các yếu tố khó lường bởi chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước, đặc biệt là căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ở trong nước, bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ kết quả nổi bật trong năm 2018 về ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 dự báo vẫn đối mặt với các thách thức đến từ nội tại của nền kinh tế, như: Trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến, nhưng chưa thực sự đột phá.

Bên cạnh đó, từ năm 2019 việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, bảo đảm sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam trong thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác. Nếu được phê duyệt và đưa vào thực thi đầy đủ, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước trong khu vực có được quan hệ FTA cùng lúc với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Nga và nhiều đối tác khác.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà đã lan cả sang chiến tranh công nghệ, điều này đặt ra những vấn đề rất lớn đối với Việt Nam. Ông cho rằng, các bộ, ngành phải triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các khu vực, quốc gia như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Nga... để giảm thiểu các ảnh hưởng của xung đột thương mại quốc tế; đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường, quan tâm tới các khu vực mới như khối Mecosur...

“Nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch dòng đầu tư và thương mại thì công tác nghiên cứu, tham mưu phải theo dõi sát các xung đột thương mại, tăng cường quản lý, kỷ luật thị trường, thực hiện hiệu quả chống buôn gian bán lận, hàng giả hàng nhái, tăng cường thông tin cho doanh nghiệp trong nước để phòng tránh rủi ro”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng cần kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng hàng hóa đội lốt dán mác Việt Nam xuất khẩu sang nước khác; tăng cường thông tin, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, không vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho các hoạt động này.

Cho rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp đang có thay đổi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, địa phương theo dõi giám sát chặt chẽ để giúp Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, lưu thông tiền tệ diễn ra phù hợp với mục tiêu chung, phòng ngừa các rủi ro tác động tới nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung đề nghị tiếp tục thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng cao về công nghệ và vốn; xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các dự án FDI bảo đảm các yêu cầu về môi trường, công nghệ, kiểm soát việc đầu tư núp bóng, nghiên cứu xây dựng các quy định chặt chẽ hơn về việc góp vốn mua cổ phần, thực hiện kiểm tra sau cấp phép các dự án FDI.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện hiệu quả công tác chuẩn bị và triển khai các cam kết FTA trên thực tiễn. Phó Thủ tướng cho rằng, phải nâng tầm hội nhập kinh tế quốc tế với chất lượng cao hơn, toàn diện, sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới.

THỦY – VÂN