Pháp điêu đứng vì thiếu nhiên liệu do biểu tình
Ngày 13-6, cuộc biểu tình phong tỏa các nhà máy lọc hóa dầu và kho chứa nhiên liệu ở Pháp bước sang ngày thứ ba. Tình trạng này khiến hoạt động khai thác và kinh doanh nhiên liệu ở Pháp bị đình trệ.
![]() |
Bà Christiane Lambert, người đứng đầu Liên hiệp Trang trại Pháp (FNSEA), nói chuyện với phóng viên trong khi đứng trên một máy kéo trong cuộc biểu tình phong tỏa các nhà máy lọc dầu. Ảnh: Reuters |
Phản đối dầu cọ
Người đứng đầu Liên hiệp Trang trại Pháp (FNSEA) - một tổ chức công đoàn lớn ở Pháp, bà Christiane Lambert kêu gọi tiếp tục biểu tình sau cuộc gặp giữa đại diện liên hiệp và Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert diễn ra trước đó kết thúc mà không giải quyết được bất đồng.
Cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của hàng trăm người nhằm phản đối quyết định của chính phủ Pháp cho phép Total sử dụng dầu cọ nhập khẩu ở nhà máy nhiên liệu sinh học ở La Mede miền nam nước Pháp. Dầu cọ vốn là mặt hàng cạnh tranh với sản phẩm dầu diesel sinh học được sản xuất từ các loại cây có dầu được sản xuất trong nước. Điều này khiến những nông dân trồng cây có dầu như cải dầu bất mãn. Dầu cọ rẻ hơn dầu hạt cải nhưng nông dân Pháp cho rằng, việc sử dụng ngày càng tăng dầu cọ đã làm tăng thêm bất lợi cạnh tranh do thuế cao và các quy định nghiêm ngặt về môi trường ở Pháp.
Ngoài ra, các nhà môi trường còn cho rằng, cho phép sử dụng dầu cọ góp phần làm tăng nạn phá rừng ở các nước Đông Nam Á. Dầu cọ bị chỉ trích rộng rãi ở Châu Âu vì phá hủy môi trường và một số nhà lập pháp đang thúc đẩy việc cấm sử dụng nhiên liệu sinh học từ dầu cọ như một phần trong các mục tiêu năng lượng mới của Liên minh Châu Âu (EU). Vấn đề này đã gây ra mâu thuẫn giữa Indonesia và Malaysia, hai nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Các quan chức Malaysia thậm chí còn cảnh báo về những hậu quả thương mại, trong đó có việc ngừng mua máy bay chiến đấu của Pháp nếu Paris không mua dầu cọ của nước này.
Vụ việc lần này đã góp phần đẩy mối quan hệ giữa FNSEA và Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thêm căng thẳng. Theo bà Lambert, các công đoàn muốn chính phủ đảm bảo rằng, tiếng nói của Pháp sẽ được Liên minh Châu Âu tôn trọng đồng thời phát đi thông điệp "hãy cẩn thận với việc lạm dụng nhập khẩu, vốn tạo ra nhiều vấn đề rắc rối cho nền nông nghiệp Châu Âu".
"Chúng tôi yêu cầu các thành viên của chúng tôi tiếp tục phong tỏa các nhà máy lọc hóa dầu và kho chứa nhiên liệu", Jeremy Decerle, trưởng nhóm thanh niên của FNSEA, cho biết.
Thiếu nhiên liệu?
Cuộc biểu tình của FNSEA khiến hoạt động khai thác và kinh doanh nhiên liệu ở Pháp bị đình trệ. Total - nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn của Pháp - cho biết, 3,5% trạm xăng dầu của tập đoàn này ở Pháp đã cạn kiệt nhiên liệu trong ngày thứ 2 liên tiếp do tình trạng phong tỏa các cơ sở khai thác và kho chứa nhiên liệu.
Trong bối cảnh các kho nhiên liệu bị phong tỏa, các lái xe đã đổ xô đến các trạm xăng mua dự trữ. Trong một cuộc phỏng vấn trên RTL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Stephane Travert đã khuyến khích người dân không nên đổ xô đến các trạm nhiên liệu và mua xăng trong hoảng loạn. "Sẽ không thiếu xăng. Đừng vội vàng đến các trạm. Đó mới là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt", ông nói. Một nguồn tin tại Bộ Giao thông vận tải cho biết số nhiên liệu dự trữ của chính phủ tương đương với ba tháng tiêu thụ nhiên liệu. Do dó, chính phủ có thể dùng nguồn nhiên liệu dự phòng này để cung cấp cho trạm xăng nếu phong trào biểu tình tiếp tục xảy ra. Chính phủ cũng có thể điều cảnh sát đến xóa bỏ các địa điểm bị người biểu tình phong tỏa, song đây là phương án cuối cùng bởi chính phủ sẽ không muốn thổi căng tình hình.
AN BÌNH