Sớm lập ban phục hồi kinh tế

Thứ ba, 21/09/2021 17:38

Tại hội nghị trực tuyến với 28 địa phương hôm 20-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết các địa phương cần lập Ban phục hồi kinh tế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn dù trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị.

Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đình trệ, thu hẹp sản xuất do phải thực hiện các qui định giãn cách. Các giải pháp sản xuất "ba tại chỗ", xét nghiệm 3 ngày/lần cho công nhân cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, chỉ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp lớn có hàng ngàn lao động trở lên việc sản xuất "ba tại chỗ" phát sinh chi phí rất lớn, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe, năng suất lao động. Đơn cử tại Samsung Thái Nguyên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết với 4,4 ngàn lao động, khi thực hiện "ba tại chỗ" riêng chi phí xét nghiệm mỗi tuần tốn gần 2 tỷ đồng. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị công nhân nên xét nghiệm 1 tuần/lần (thay vì 3 ngày) và xét nghiệm ngẫu nhiên 20% số lao động. Các doanh nghiệp cũng cần tự xét nghiệm cho lao động, tự cấp chứng nhận và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm. Có qui định để các nhà thuốc được bán kít xét nghiệm COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, hiện nay luồng xanh hàng hóa lưu thông tốt, nhưng luồng xanh về lao động, chuyên gia vẫn khó khăn, thiếu thốn nhất giữa các địa phương. Nhiều lao động làm ở TP. HCM nhưng nhà ở Đồng Nai, Bình Dương… không thể về nhà đã nhiều tháng nay. Tương tự là các chuyên gia, việc di chuyển rất khó khăn. Do đó, cần có chỉ đạo thống nhất về luồng xanh lao động khi di chuyển giữa các địa phương. Những ai đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể ở nhà và di chuyển tới nhà máy làm việc bằng xe buýt đưa đón.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh trình bày các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế của Đà Nẵng.  

Một vấn đề khác cũng được nhiều doanh nghiệp kiến nghị đó là tăng cường ưu tiên tiêm phủ vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế…Đây là lực lượng trực tiếp sản xuất, trong môi trường làm việc đông người, cần ưu tiên tiêm nhanh vaccine, như vậy mới có thể nhanh chóng mở cửa, phục hồi sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục trong tiếp nhận các gói tín dụng hỗ trợ. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh và hỗ trợ 50% trong thời hạn 1 năm sau khi công bố hết dịch. Các ngân hàng cần chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp như giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong bối cảnh nguồn vaccine còn ít, nhưng TP vẫn dành lượng lớn để tiêm cho công nhân, đây là lực lượng trực tiếp sản xuất, duy trì các hoạt động xã hội. Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách cơ cấu nợ (giảm nợ, giãn nợ) tín dụng kể cả khoản vay mới cho doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng; miễn giảm lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch …để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, ông Chinh cũng cho biết, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng các KCN tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp. TP kiến nghị T.Ư sớm chấp nhận chủ trương đầu tư đối với các KCN mới trên địa bàn. Đây là nội dung quan trọng để Đà Nẵng có thể cơ cấu lại kinh tế không quá dựa vào dịch vụ, du lịch.

Đà Nẵng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm để đảm bảo an toàn sản xuất. 

Cũng theo ông Chinh, trong tuần này, Đà Nẵng sẽ có 2 phiên đối thoại với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất, Đà Nẵng dự kiến sẽ hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong KCN, hỗ trợ lãi suất với khoản vay tín dụng vốn lưu động, hỗ trợ trong công tác xét nghiệm với công nhân trong KCN, hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vốn vay từ quĩ đầu tư phát triển của TP… Đặc biệt, thời gian qua TP đã hỗ trợ công nhân ở các khu nhà trọ, đã xây nhiều khu nhà ở cho công nhân và sắp tới sẽ phát triển thêm nhiều nhà ở cho công nhân, góp phần ổn định nguồn nhân lực sản xuất cho các doanh nghiệp.

Đà Nẵng kiến nghị giãn nợ, giảm thuế để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất mà Đà Nẵng triển khai rất chủ động. Đặc biệt việc hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm là rất tốt. Theo Phó Thủ tướng, dịch bệnh còn phức tạp nhưng việc phục hồi sản xuất cũng cấp bách. Trong bối cảnh hiện nay phải tính toán phương thức, giải pháp duy trì sản xuất ổn định, liên tục song song với chống dịch. Trong đó, các giải pháp về giãn cách, về vaccine, lưu thông hàng hóa, lao động giữa các vùng phải phù hợp trong tình hình mới. Khi mở cửa sản xuất lại, hàng chục ngàn công nhân tập trung, các giải pháp chống dịch để an toàn sản xuất phải tỉ mỉ. Việc xét nghiệm phải chủ động, khi có F0 thì truy ngay các F1, F2 cách ly, còn nhà máy, công xưởng vẫn sản xuất bình thường, không để 1 ca F0 phải dừng cả nhà máy. Theo Phó thủ tướng, các địa phương phải lập Ban phục hồi sản xuất, có thể có các tiểu ban…có như vậy mới phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh.

HẢI QUỲNH