Tan hoang Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Kỳ 1: "Xẻ thịt" hàng trăm cây gỗ qúy)
Thời gian gần đây, Quảng Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi người dân đứng ra tố giác những kẻ phá rừng cũng như những đối tượng tiếp tay cho "lâm tặc", góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương. Từ nguồn tin của người dân, chúng tôi đã có chuyến thực tế dài ngày tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh nằm trên hai huyện Nam Giang và Phước Sơn (Quảng Nam).
Ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi vô cùng bức xúc khi phải chứng kiến cảnh rừng nơi đây bị tàn phá khủng khiếp. Những loại gỗ quý bị "lâm tặc" triệt hạ không thương tiếc; những loài thú quý hiếm như voọc chà vá chân xám, tê tê, hươu, nai... cũng bị "lâm tặc" tàn sát... Với những gì đang diễn ra tại KBT này, dư luận đặt câu hỏi có hay không sự tiếp tay của cán bộ bảo vệ rừng để lâm tặc tung hoành trong thời gian dài tại đây.
|
Các loại gỗ quý nằm la liệt trong khu bảo tồn. |
Sau nhiều ngày dò hỏi nắm tình hình để vào hiện trường những điểm phá rừng trong KBTTN Sông Thanh, chúng tôi tìm gặp được ông L., một người dân có kinh nghiệm lâu năm đi rừng. Bản thân ông L. trước đây cũng là một "lâm tặc", nhưng nhìn những cánh rừng già ngày càng cạn kiệt, ông L. quyết định giải nghệ, sống bằng nghề hái nấm lim xanh nhiều năm nay.
Khi chúng tôi đề cập đến việc dẫn đường vào rừng, ông L. từ chối với lý do sợ bị trả thù. Sau nhiều lần thuyết phục và nhờ sự tác động của nhiều người quen, ông L. đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng với thù lao 1 triệu đồng cho chuyến đi. Đồng thời, yêu cầu chúng tôi phải giả dạng là người đi hái nấm lim xanh, giấu các thiết bị ghi hình cồng kềnh mới đảm bảo độ an toàn cho cả đôi bên. Để ngụy trang, chúng tôi mua và mang theo 1kg nấm lim xanh cùng lương thực cho chuyến đi dài ngày.
Sau một ngày chuẩn bị, 7 giờ ngày 4-4, xuất phát từ lâm phận xã Tà Bhing (H. Nam Giang), chúng tôi đi ngược theo dòng sông Thanh để thâm nhập KBTTN Sông Thanh. Theo ông L., KBTTN Sông Thanh hay còn gọi là rừng đặc dụng Sông Thanh là khu vực có rất nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, kiền kiền, gõ... có độ tuổi trên trăm năm. Tuy nhiên, những năm qua các loại gỗ quý này đã bị "lâm tặc" triệt hạ dần. Đối với cây lim xanh, nhiều khu vực trước đây toàn loại gỗ quý này, bởi vậy sau khi bị "lâm tặc" triệt hạ, hiện khu rừng này mọc lên rất nhiều loại nấm lim xanh và được người dân gọi là "rừng nấm lim".
|
Những cây gỗ lim, gõ có đường kính "khủng" bị đón hạ trong khu bảo tồn. |
Men theo dòng sông Thanh đi hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu tiếp cận vùng rìa KBTTN Sông Thanh. Được ông L. chỉ dẫn, chúng tôi mới thấy được những gốc lim bị đốn hạ. Khu vực này đã bị "lâm tặc" xâm hại cách đây vài năm nên dấu vết đã bị dây rừng che phủ. Tiếp tục đi sâu vào bên trong khoảng 2 tiếng, một khu vực rộng lớn với những vạt rừng bị triệt hạ. Tại đây có hơn 100 gốc cây lớn bị đốn hạ, trong đó đa số là gỗ lim có đường kính từ 0,8-1,3m. Hiện trường để lại nhiều cây đã bị xẻ gỗ tại chỗ, gỗ đã đưa ra khỏi rừng từ lâu, chỉ còn trơ gốc, vài đoạn cây bị rỗng ruột nằm ngổn ngang, trên thân cây có nhiều cây nấm lim xanh mọc lên.
Trong quá trình lần theo dấu vết "lâm tặc", chúng tôi không phát hiện thấy dấu vết trâu kéo như những cánh rừng khác, thế nhưng đường mòn kéo gỗ vẫn hằn xuống sâu trong đất gần 0,5m. Điều đó cho thấy gỗ được con người vận chuyển ra khỏi rừng và mức độ tàn phá nơi đây diễn ra suốt một thời gian dài.
Ngồi nghỉ chân tại một gốc lim, ông L. cho biết, nhiều lần đi rừng ông bắt gặp một số đối tượng vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, bọn chúng vận chuyển bằng cách lao gỗ xuống dốc, sau đó kéo gỗ qua những đoạn hiểm trở, những phách nhỏ thì 1 người vác, lớn thì 2, 3 người kéo ra bìa rừng. Về đường đi của gỗ lậu, ông L. bật mí: Do địa hình hiểm trở, gỗ sau khi được tập kết ra bìa rừng sẽ được kết bè thả trôi theo sông Thanh. Hướng đi thứ hai theo đường bộ qua khu vực xã Phước Đức (H. Phước Sơn) rồi vận chuyển gỗ theo đường Hồ Chí Minh về xuôi.
Đi tiếp một đoạn chúng tôi bắt gặp 3 cây lim bị đốn hạ cách đây khoảng vài tháng nhưng "lâm tặc" mới tiến hành cưa xẻ để lấy gỗ, vết cưa còn rất mới. Tại hiện trường, một khu vực chưa đến 20 mét trông như một xưởng cưa giữa rừng. Ngoài những đoạn gỗ lớn đã được vận chuyển ra khỏi rừng, hiện trường còn lại những khúc gỗ đường kính gần 1 mét, những bìa gỗ nằm ngổn ngang. Có những cây lim đường kính 4 người ôm không xuể đã bị lấy hết gỗ, chỉ còn lại gốc nằm trơ trọi.
|
Gỗ bị đưa ra khỏi rừng nằm rải rác dọc sông Thanh. |
Qua quan sát, điểm chung dễ nhận thấy đó là "lâm tặc" hạ cây xuống để một thời gian cho cây khô rồi mới quay lại tiến hành xẻ gỗ, khi đó gỗ xẻ không bị nứt và trọng lượng cũng nhẹ hơn, dễ dàng vận chuyển ra ngoài. Theo tìm hiểu được biết, trong khu vực này có 2 nhóm "lâm tặc" hoạt động, mỗi nhóm khoảng 10 người được trang bị nhiều máy móc hiện đại để phục vụ cho việc cưa xẻ gỗ.
Càng tiến sâu vào vùng lõi, chúng tôi ghi nhận hàng chục cây gõ, sến, đường kính từ 0,8-1m cưa xẻ tại chỗ, dấu vết cách đây khoảng vài tháng. Có cây mới vừa hạ nằm chỏng chơ giữa rừng chưa bị "lâm tặc xẻ thịt". Trong suốt chuyến đi, chúng tôi không chạm mặt với "lâm tặc". Theo ông L. cho biết, thời gian gần đây rừng bị động bởi nhiều vụ phá rừng được phát hiện nên lâm tặc tạm thời ngưng hoạt động.
Điều đáng nói, qua quan sát, những cánh rừng ở nơi khác lâm tặc thường phá trong vùng lõi, chừa cây bên ngoài để làm bình phong nhằm che mắt cơ quan chức năng. Thế nhưng tại KBTTN Sông Thanh này, lâm tặc ngang nhiên phá từ ngoài vào trong theo kiểu "cuốn chiếu" mà không sợ lực lượng chức năng nào phát hiện.
Sau một ngày băng rừng lội suối, trời sắp tối chúng tôi quyết định di chuyển xuống khu vực Khe Voi để dựng lều nghỉ qua đêm để sáng mai bắt đầu cuộc "thám hiểm" khu rừng đặc dụng này... Trời vừa hừng sáng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình thâm nhập KBTTN Sông Thanh. Tiếp tục men theo dòng Sông Thanh chúng tôi bắt gặp nhiều cây gõ, sến đã bị đốn hạ, dấu vết còn rất mới... Điều khiến chúng tôi bất ngờ đó là tại khu vực này, gần chục đối tượng với súng ống đủ loại "đóng quân" tại đây trong thời gian dài để săn bắn động vật quý hiếm. Những cá thể động vật quý hiếm như voọc, tê tê, gấu... bị các đối tượng săn bắn xẻ thịt không thương tiếc.
(còn nữa)
Phóng sự: Lê Vương-Bão Bình