Thế giới lo ngại làn sóng biểu tình tại Myanmar

Thứ hai, 22/02/2021 18:08

Các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar kiểm soát chính phủ kéo dài suốt hai tuần qua và một số trong đó đã biến thành các vụ đụng độ bạo lực. Thế giới đã ngay lập tức lên tiếng quan ngại.

Nhiều người biểu tình phản đối chính biến ở thành phố Mandalay, Myanmar ngày 20-2. Ảnh: Reuters

Đụng độ người biểu tình

Hôm 20-2, ít nhất 2 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar, khi cảnh sát nổ súng giải tán đám đông biểu tình tràn vào một nhà máy đóng tàu. Căng thẳng leo thang tại Mandalay khi lực lượng an ninh đụng độ với người biểu tình. Một số người biểu tình bắn ná cao su vào cảnh sát. Theo Reuters, đây là ngày biểu tình đẫm máu nhất trong hơn 2 tuần biểu tình nổ ra tại Myanmar, sau khi quân đội nước này giành quyền kiểm soát và bắt giam các quan chức chính quyền dân sự. Một nhóm giám sát nhân quyền hôm 20-2 cho biết 569 người bị bắt, buộc tội hoặc kết án liên quan đến cuộc đảo chính.

Phần lớn đất nước Myanmar trở nên hỗn loạn sau khi quân đội hôm 1-2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử. Họ tiếp quản chính quyền với lý do có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, với việc đảng của Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar suốt nhiều ngày qua để biểu tình phản đối, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội. Họ đòi quân đội trao trả lại quyền lực và thả bà Suu Kyi.

Thế giới lên án

Tổng thư ký LHQ Guterres đã lên tiếng phản đối việc “sử dụng bạo lực gây chết người” ở Myanmar sau vụ hai người biểu tình chống đảo chính thiệt mạng hôm 20-2. “Việc sử dụng vũ lực gây chết người, đe dọa và quấy rối những người biểu tình ôn hòa là không thể chấp nhận được”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres viết trên mạng xã hội Twitter ngày 21-2. “Mọi người đều có quyền tụ tập trong hòa bình. Tôi kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử và quay lại chế độ dân sự”.

Các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng lên tiếng phản ứng quan ngại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các thông tin người biểu tình Myanmar bị bắn, cũng như các hoạt động giam giữ người biểu tình tại Myanmar. Ông khẳng định, Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Myanmar. Trước đó, hôm 19-2, ông Price nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ đối với quân đội Myanmar “kiềm chế bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa”. Ông Price nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác và đồng minh để gây sức ép, buộc quân đội Myanmar phải đảo ngược các hành động của mình”.

Còn Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, bạo lực vừa xảy ra ở thành phố Mandalay là “không thể chấp nhận”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, nước này sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo nhằm phản ứng trước các diễn biến chính trị tại Myanmar, với sự phối hợp với các đối tác quốc tế. Mỹ, Anh, Canada và New Zealand đều đã công bố một số lệnh trừng phạt giới hạn kể từ sau vụ việc ngày 1-2, chủ yếu nhắm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar.

Trong một tuyên bố hôm 20-2, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết rất lo lắng trước các báo cáo về thương vong dân sự sau khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực sát thương chống lại người biểu tình. “Các nhà chức trách phải ngăn chặn bạo lực và đổ máu thêm nữa. Nếu tình hình tiếp tục leo thang, sẽ có những hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho Myanmar và khu vực” – Bộ Ngoại giao Singapore nhấn mạnh.

Đại sứ Nhật Bản tại Myanmar Ichiro Maruyama thì kêu gọi quân đội Myanmar thả các nhà chính trị và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình: “Hãy trả tự do ngay lập tức cho Cố vấn Nhà nước – bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint và những người bị bắt giữ. Tôi kêu gọi quân đội Myanmar giải quyết mọi việc một cách hòa bình và dân chủ. Những lời kêu gọi, đề nghị này sẽ không thay đổi”.

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 22-2 sẽ nhóm họp để thảo luận những biện pháp phản ứng với khủng hoảng ở Myanmar. Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 20-2 kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar “lập tức ngừng các hành động bạo lực với dân thường” sau sự việc ở Mandalay.

Về phía quân đội Myanmar, dù chưa lên tiếng về các diễn biến trong ngày hôm qua, song trước đó họ cho rằng, đã có những người biểu tình xúi giục, kích động các hành vi bạo lực, thay vì chỉ biểu tình, bày tỏ chứng kiến trong hòa bình. Quân đội Myanmar khẳng định, mọi hành động của họ tới nay đều tuân theo Hiến pháp.

AN BÌNH