Tìm lại “nhà chung” cho Châu Âu

Thứ tư, 20/03/2019 12:38

Cuộc bầu cử Quốc hội Châu Âu, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, làm bùng nổ những tranh cãi trong bối cảnh ở Pháp và Đức, các phe phái đang nỗ lực ngăn chặn một chiến thắng cho các đảng dân túy chống Liên minh Châu Âu (EU).

Đây là một trong những cuộc bầu cử hấp dẫn nhất năm 2019. Và đây cũng là cơ hội để cử tri EU chọn một quốc hội mới, đại diện cho hơn nửa tỷ người. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Brexit - Anh rời EU - chưa có hồi kết, cuộc bầu cử lần này có thể mang về chiến thắng cho các đảng dân tộc, cánh hữu. Sự phát triển nổi trội của những đảng này đặt ra một mối đe dọa hiện hữu cho tương lai của liên minh 28 quốc gia. Tuy nhiên, “những hậu vệ” mạnh nhất của khối - Pháp và Đức - đang nỗ lực để ngăn chặn điều này.

Trong những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo ở mỗi quốc gia cố gắng xác định lại cách để EU có thể xốc lại bản sắc tinh thần vì liên minh cho người dân của họ, thậm chí là cảm giác về một “ngôi nhà chung” dù lục địa già đang bùng nổ những tranh cãi về các vấn đề như nhập cư. Cuộc chiến này không chỉ mang ý nghĩa chính trị. Và kết quả của vấn đề này có thể quan trọng hơn việc Anh thoát khỏi EU.

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết một bài báo, được đăng trên 28 tờ báo trên khắp lục địa. Bài viết có đề xuất các thể chế mạnh hơn, tập trung hơn, như một lực lượng an ninh duy nhất cho biên giới EU. Bài viết cũng sử dụng ngôn ngữ của các đảng dân túy. Ví dụ, ông Macron muốn quyến rũ “các công dân của Châu Âu”. Ông kêu gọi họ củng cố khối liên minh này bởi vì đó là nền văn minh Châu Âu đoàn kết, giải phóng và bảo vệ chúng ta. Thư của ông Macron đã nhận những phản hồi tích cực từ Annegret Kramp-Karrenbauer, lãnh đạo đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo ở Đức. Đây là nhân vật được coi là ứng viên số 1 thay thế Thủ tướng Angela Merkel và là gương mặt quyền lực mới trong EU. Theo bà, cải cách của Châu Âu sẽ không hiệu quả nếu không có các quốc gia thành viên.

EU ra đời sau Thế chiến II, vừa là một cộng đồng kinh tế vừa dựa trên các giá trị có thể ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bây giờ, với cuộc bầu cử sắp  đến gần, hai nhà lãnh đạo đang đưa ra tầm nhìn về một loại chủ nghĩa dân tộc khác. Họ có thể khác nhau, nhưng ít nhất họ nhằm mục đích chống lại kiểu chủ nghĩa dân tộc đòi đóng cửa biên giới và quay lưng lại với các giá trị dân chủ. Trên hết, mỗi người cần coi Châu Âu là nhà.

THANH VĂN