Tình trạng khoan, đóng giếng trái phép lại tái diễn ở Lý Sơn
Những tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng huyện Lý Sơn đã phát hiện hàng loạt giếng khoan, đóng trái phép để thăm dò, khai thác nguồn nước tưới tiêu. Các giếng khoan, đóng này được ngụy trang tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng, khi người dân phát hiện tố cáo mới giúp cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo quy định.
![]() |
Phát hiện một trường hợp giếng khoan, đóng trái phép để thăm dò, khai thác nguồn nước tưới tiêu. |
Theo nông dân trên đảo, việc đóng, khoan giếng trái phép là việc làm bất đắc dĩ vì nguồn nước phục vụ tưới tiêu hiện đã khan hiếm và nhiễm mặn. “Ăn Tết xong rồi là thiếu nước trầm trọng, giải pháp cuối cùng là lén đóng giếng, vào lúc nửa đêm 4 -5 người cùng đào làm khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ là có giếng để có nước tưới”, ông Lê Văn Lân ở thôn Đông xã An Vĩnh, cho biết.
Theo dự báo, tình trạng thiếu nước năm nay sẽ diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt là vụ hành xuân hè sắp tới nông dân trên đảo sẽ gieo trồng hàng trăm héc ta hành tím, nhu cầu nguồn nước tưới tiêu tăng cao, vì thế tình trạng lén lút khoan, đóng giếng để thăm dò, khai thác tài nguyên nước phục vụ tưới tiêu sẽ tăng cao.
Từ năm 2014 đến nay số lượng giếng trên đảo gia tăng gần gấp 4 lần, từ gần 550 giếng tăng lên gần 2.150 giếng. Tình trạng khoan, đóng giếng trái phép khiến nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Lượng nước được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng chỉ ở mức 16.000m3/ngày, nhưng hiện nay lượng nước khai thác thực tế gần 22.000m3/ngày, hụt gần 5.000m3. Năm 2020, huyện Lý Sơn cũng đã xử phạt 20 trường hợp khoan, đóng 26 giếng trái phép.
Mọi hoạt động khoan giếng mới mang tính cấp bách cần có các thủ tục trình UBND tỉnh cấp phép. Đây là biện pháp cứng rắn để bảo vệ nguồn nước ngầm trên đảo. Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, khẳng định:“Cơ quan nhà nước cũng tuyên truyền để người dân hiểu sâu về vấn đề bảo vệ tài nguyên nước. Về lâu dài huyện cũng kiến nghị tỉnh cho Lý Sơn tăng cường trồng rừng, cũng như xây dựng các hồ trữ nước mưa để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân”.
Nông nghiệp hành tỏi thì không thể thiếu nước, nhưng nguồn nước trên đảo đã suy kiệt và nhiễm mặn. Nếu không có giải pháp hiệu quả và kịp thời để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho hành tỏi, thì tình trạng khoan, đóng giếng thăm dò, khai thác tài nguyên nước trên đảo sẽ tiếp tục kéo dài khó kiểm soát.
TRUNG THÀNH