Trung Quốc-Australia leo thang căng thẳng

Thứ hai, 30/11/2020 13:00

Australia đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tương lai kinh tế trong nhiều thập kỷ, khi Trung Quốc áp dụng một loạt các hạn chế ngày càng tăng đối với hàng hóa xuất khẩu của Canberra. Ngoài ra, mối quan hệ Bắc Kinh- Canberra còn phức tạp ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều người nhận định, mối quan hệ này đang tệ nhất trong hàng chục năm qua.

Quầy trưng bày rượu vang của Australia tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải ngày 5-11-2020. Ảnh: AP

Căng thẳng thương mại mới

Quan hệ Australia - Trung Quốc vốn rơi vào tình trạng lạnh lẽo từ nhiều năm do nhiều vấn đề như thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương. Căng thẳng hai nước gần đây tiếp tục gia tăng sau khi Canberra kêu gọi mở điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19 và vấn đề của gã khổng lồ công nghệ Huawei. Quan chức ngoại giao Trung Quốc tại Canberra đã cảnh báo Australia về "bóng đen" phủ lên quan hệ song phương, nhưng bác cáo buộc Bắc Kinh "chèn ép kinh tế" khi nhằm vào một số mặt hàng xuất khẩu Australia.

Hôm 25-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã phát hiện nhiều lô hàng than đá nhập khẩu từ Australia không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong những năm gần đây, hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá nhằm giám sát những rủi ro về an toàn và chất lượng của than đá nhập khẩu, và đã phát hiện nhiều loại than đá nhập khẩu không đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường. Cũng theo ông Triệu Lập Kiên, cùng với biện pháp này, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm tra và thử nghiệm loại than trên về độ an toàn, chất lượng và khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường nhằm bảo vệ tốt hơn các lợi ích chính đáng và những lợi ích về môi trường của nước này. Trong vài tuần qua, một loạt các biện pháp hành chính ở Trung Quốc đã ngăn chặn quyền tiếp cận đối với một loạt hàng hóa của Australia bao gồm lúa mạch, rượu vang, tôm hùm, gỗ, đồng và len. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố các biện pháp này được thực hiện vì lý do kỹ thuật, nhưng các chỉ trích cứng rắn nhằm vào Australia trên báo chí Trung Quốc đã làm rõ mục đích thực sự của họ.

Trung Quốc đã áp đặt thuế chống bán phá giá và trợ cấp nhà nước lên tới 80,5% đối với lúa mạch của Australia, đình chỉ nhập thịt bò từ 5 nhà máy chế biến hàng đầu của Australia, xúc tiến 2 cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang của nước này cũng như có "hành động phân biệt đối xử" đối với các nhà sản xuất bông của Australia. Mới đây nhất, hôm 12-11, Trung Quốc đã đình chỉ một số hoạt động nhập khẩu gỗ từ Australia, cụ thể là từ bang Victoria của nước này sau khi phát hiện có sâu bệnh trong loại gỗ trên. Trước đó, hồi đầu tháng này, Chính phủ Australia đã thông báo ngừng xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ tôm hùm bông lớn nhất của Australia sau khi Trung Quốc áp đặt quy định kiểm tra hải quan mới đối với hải sản tươi sống của nước này.

Australia nói Trung Quốc “làm xấu” quan hệ

Trong bài phát biểu trực tuyến tại diễn đàn Trao đổi Chính sách Anh hôm 23-11, Thủ tướng Australia Morrison đã chỉ trích Trung Quốc làm quan hệ hai nước xấu đi một cách "không cần thiết" và khẳng định không muốn chọn phe Bắc Kinh - Washington.

Thủ tướng Morrison đã chỉ trích Trung Quốc gia tăng áp lực cũng như phản bác việc nước này bị tờ Global Times, thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng 5 miêu tả như "cún con" của Mỹ. Morrison gọi đây là cáo buộc sai lầm và "làm xấu đi các mối quan hệ một cách không cần thiết". Ông khẳng định Australia muốn có quan hệ "đôi bên cùng có lợi" với cả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, và Mỹ, đồng thời cũng có quyền theo đuổi lợi ích riêng độc lập với cả hai nước. Thủ tướng Australia còn cảnh báo chính sách ngoại giao "cưỡng ép" của Trung Quốc chỉ là "sự nếm trước" về những gì các nước khác, bao gồm cả các quốc gia Châu Âu, có thể phải trải qua trong tương lai. Ông Morrison cũng nhấn mạnh các nước như Australia không nên bị yêu cầu chọn phe khi cả Washington và Bắc Kinh đều cố gây ảnh hưởng.

Về vấn đề này, bà Frances Adamson, người đứng đầu Bộ thương mại và các vấn đề đối ngoại (DFAT) của Australia trong bài phát biểu ngày 25-11 đã hối thúc Trung Quốc hợp tác một cách xây dựng và hiệu quả với hệ thống quốc tế mà không dùng áp lực hay chiến thuật "cưỡng ép". Bà Adamson cáo buộc Bắc Kinh đang phớt lờ những nguyên tắc hợp tác quốc tế khi theo đuổi chính sách ngoại giao ngày càng cứng rắn hơn. "Trung Quốc có thể đã đạt tới mức độ mà họ tin rằng họ có thể đặt ra các quy tắc hợp tác với thế giới. Nếu điều đó là sự thật, tôi tin rằng đó là nhận thức sai lầm vì Trung Quốc và các nước khác sẽ nhận được nhiều hơn thông qua mối quan hệ hợp tác và mang tính xây dựng trong hệ thống quốc tế mà không dùng áp lực hay chiến thuật cưỡng ép", bà Adamson nhấn mạnh.

AN BÌNH