Trường ngoài công lập chờ thí sinh “cuối vụ”
(Cadn.com.vn) - Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập khu vực miền Trung đang đẩy tiến độ tuyển sinh bằng nhiều chiến dịch, nhiều chế độ ưu đãi để thu hút thí sinh. Tuy nhiên, với số lượng rất “hẻo” dù đã qua nhiều đợt xét tuyển, dự báo năm nay tiếp tục lại là một năm khó khăn khiến nhiều trường phải “cắt lớp”.
Tung ưu đãi để “kích cầu”
* Một cán bộ tuyển sinh cho biết, ngay cả khi nhận hồ sơ nhập học của thí sinh rồi thì cũng chưa lấy gì làm chắc chắn là em này sẽ theo học. |
Ngay từ khi vào chiến dịch tuyển sinh, với 4.000 chỉ tiêu, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) thông báo giảm 20% học phí đầu vào cho mọi thí sinh đăng ký ngành học Công nghệ môi trường. Các thí sinh có hộ khẩu Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa khi đăng ký vào các ngành học như Văn – Báo chí, Quan hệ Quốc tế đồng thời giảm 50% học phí trong 4 năm học cho 150 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký sớm nhất.
Theo lãnh đạo nhà trường, trong năm học 2013-2014, ngoài 800 suất học bổng với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng cho các tân sinh viên, nhà trường sẽ liên kết với một số Cty để xin một số học bổng khác hỗ trợ người học như 15 suất (mỗi suất 1.000 USD) của Cty Boeing và 2 suất (mỗi suất 2.500USD) của Cty IBM.
Trong khi đó, với trường Đại học Đông Á dành 10 suất học bổng toàn phần, miễn học phí toàn khóa học cho sinh viên có điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn 7 điểm và đăng ký học chương trình chất lượng cao. Tiếp đó là miễn học phí năm học đầu tiên cho các thí sinh có đầu vào cao hơn 4 điểm so với điểm sàn và 40 suất khác được giảm học phí 50% trong năm học đầu tiên nếu vượt điểm sàn từ 2-3 điểm. Trường cũng triển khai 2.000 chỗ ở ký túc xá chỉ với 42.500 đồng/tháng (giảm một nửa so với khung giá chung của Đà Nẵng) cho sinh viên đồng thời tạo điều kiện vay vốn tín dụng, vay không tính lãi khi mua máy tính phục vụ việc học.
Trường Cao đẳng Đức Trí với chiến dịch làm mới mình cũng đã đưa ra chế độ ưu tiên trong xét tuyển đối với thí sinh từ các huyện nghèo của cả nước. Ngoài việc được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội nhóm, học thực hành hiệu quả, trong suốt quá trình học tập thì sinh viên ở nội trú sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Theo ông Trương Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường, học phí của trường Đức Trí chỉ 200 nghìn đồng/tín chỉ hiện đang ở mức thấp nhất trong hệ thống trường ngoài công lập của cả nước, thậm chí thấp hơn so với trường công. “Với mức học phí như vậy, chỉ khoảng 20-30 triệu đồng là sinh viên có thể hoàn thành bậc học cao đẳng. Mức tiền này là vừa phải đối với học sinh các địa phương nghèo khu vực miền Trung. Trường đang trong quá trình hướng tới hỗ trợ người học để tái đầu tư bằng chất lượng”, ông Hùng cho hay.
Tại Quảng Nam, ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) nhận hồ sơ xét tuyển 600 chỉ tiêu bậc đại học, cao đẳng. Để “hút” thí sinh, trường thông báo miễn phí 1 năm ký túc xá cho sinh viên đăng ký nhập học sớm, tặng học bổng 1 khóa học kỹ năng mềm, 10 sinh viên xuất sắc nhất toàn trường hằng năm nhận học bổng Lawrence S.Ting lên đến 10 triệu đồng/suất.
Tiếp đó là 5 triệu đồng/suất học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi; 40 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (3 triệu đồng/suất) cho học sinh có đóng góp tích cực cho cộng đồng...Trong khi đó, với 1.500 chỉ tiêu cho 8 ngành, Trường Cao đẳng Phương Đông Quảng Nam cũng đang đưa mức học phí “mềm” 200 nghìn đồng/tín chỉ và chương trình dạy học chuyên sâu để chiêu sinh.
![]() |
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng. |
Nhiều “ưu đãi” có hút được thí sinh?
Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập cũng đang có một chiến dịch “chạy đua” để kéo thí sinh về phía mình. Mỗi trường dường như có một “thị phần” riêng nhưng cũng như mấy năm gần đây, cho đến ngày nhập học cuối cùng, nhiều trường dự báo là khó mà tuyển được một nửa chứ đừng nói đến đủ chỉ tiêu.
Các chính sách như giảm học phí, tăng học bổng, chỗ ở giá rẻ... là những chiêu đánh vào tâm lý thí sinh để họ lựa chọn khi không đủ các điều kiện vào những trường lớn. Nhiều trường công bố chỉ tiêu, công khai các chế độ ưu đãi nhưng khi hỏi đến việc đã tuyển được bao nhiêu thì đều không tiết lộ. Bởi vì con số này mà nói thật thì sẽ gây ngạc nhiên cũng như giảm uy tín đối với những thí sinh đang ở trạng thái chưa biết chọn trường nào.
Ở một cách nghĩ khác, ông Trương Văn Hùng–Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Đức Trí thẳng thắn: “Tôi không ngại nói con số này. Với 900 chỉ tiêu thì chúng tôi mới tuyển được gần 150. Cho dù có kéo dài đến hết tháng 10 thì cũng không mong tuyển đủ. Nhưng được chừng nào hay chừng đó. Trường cũng không cạnh tranh bằng học phí nữa, mặc dù là mức học phí rất thấp. Chúng tôi sẽ đi bằng con đường riêng là chất lượng dạy học, dạy kỹ năng mềm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có trường vì quá “nóng mặt” sau các chương trình tư vấn rầm rộ nhưng vẫn còn “hẻo” đã phân chỉ tiêu tuyển sinh xuống cho cán bộ, nhân viên của trường mình. Do mới tuyển sinh được rất ít nên các trường sẽ kéo dài chương trình xét tuyển đến cuối tháng 10. Đây sẽ là thời điểm cuối vụ và thí sinh không có lựa chọn nào khác nữa.
Những nguyên nhân khiến các trường ngoài công lập tuyển sinh ngày càng khó đó là học phí, các khoản đóng nộp, chất lượng dạy học và cơ hội việc làm. Chỉ những người đang theo học các trường này mới hiểu được sự khắc nghiệt sau các chế độ “ưu đãi” ban đầu. “Sau kỳ đầu có vẻ dễ thở thì học phí sẽ tăng chóng mặt theo từng năm.
Có nhiều sinh viên chịu không nổi nhưng vẫn phải ráng đánh đu vì không lẽ mất tiền rồi lại bỏ học giữa chừng. Học bổng thì cả trường được có mấy suất, các khoản thu phụ thì thường xuyên. Đâm lao phải theo lao thôi anh ơi. Giờ ai cũng học đại học, cao đẳng ra mà tìm được việc thì có mấy người đâu”, một nữ sinh viên của một trường ngoài công lập được xem là có tiếng tại Đà Nẵng tâm sự.
Đông A