Việc công, chuyện tư

Thứ bảy, 18/03/2017 08:32

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17-3 (sáng 18-3, giờ Việt Nam) có cuộc gặp song phương quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi kế hoạch gặp gỡ hôm 14-3 bị hoãn do một trận bão tuyết lớn chuẩn bị đổ bộ vào khu vực đông bắc nước Mỹ. Đây là cuộc gặp được chờ đợi với nhiều hy vọng bởi  một lẽ, Thủ tướng Merkel gặp Tổng thống Trump không chỉ nhằm về các vấn đề kinh doanh mà còn là vấn đề cá nhân.

Tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo có rất nhiều vấn đề song phương cần bàn luận. Nhưng việc thiết lập mối quan hệ cá nhân thân thiết hơn cùng sự hiểu biết về các giá trị chia sẻ, thậm chí còn quan trọng hơn. Tổng thống Trump nghĩ gì về mối quan hệ Mỹ với Châu Âu? Thật khó để nói. Nhưng với tất cả những tuyên bố của ông Trump về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và Liên minh Châu Âu (EU), có thể thấy, nhà lãnh đạo mới của Mỹ toàn đưa ra những cam kết từ bỏ và nghi ngờ về sự hữu ích của Châu Âu đối với Mỹ.

Tất nhiên, cuộc gặp sẽ bị chi phối bởi những vấn đề quan trọng như có tiếp tục các biện pháp trừng phạt đối với Nga; chia sẻ gánh nặng trong chi tiêu quốc phòng của NATO; thương mại Mỹ-EU và đặc biệt là thặng dư thương mại lâu năm của Đức với Mỹ. Nhưng khả năng lớn hơn, cuộc gặp lần này chính là cơ hội để hai nhà lãnh đạo rất khác biệt này tìm ra con đường tiến đến một mối quan hệ thân thiết hơn.

Nhà lãnh đạo Đức dường như đã thừa nhận mục đích của chuyến đi đến Mỹ khi đã nhấn mạnh: “nói chuyện với nhau thay vì nói chuyện về một vấn đề khác - đó sẽ là phương châm của tôi về chuyến công du Mỹ lần này”. “Bà đầm thép” có mối quan hệ thân thiết với các vị tổng thống Mỹ trong các nhiệm kỳ qua. Bà phát triển mối quan hệ vững chắc với cựu Tổng thống George W. Bush mặc dù có một số khác biệt, nhất là đối với chính sách của Mỹ ở Iraq. Bà cũng đã điều chỉnh thái độ lạnh lùng và cách tiếp cận thực dụng của Tổng thống Barack Obama đối với quan hệ Mỹ-Châu Âu, dù họ cũng mâu thuẫn quanh chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Nhưng Tổng thống Trump lại là một nhân vật hoàn toàn khác biệt. Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel cũng là hai nhà lãnh đạo có tính cách đối lập hoàn toàn và từng nhiều lần chỉ trích chính sách của nhau. Trong khi nhà lãnh đạo Đức là người thận trọng, ông chủ Nhà Trắng lại là nhân vật bốc đồng. Rõ ràng, ông Trump chính là thách thức rất khác với bà Merkel. Không một tổng thống Mỹ nào trong thời kỳ hậu chiến công khai chỉ trích NATO “lỗi thời” hoặc cổ vũ cho sự tan rã của EU bằng việc ủng hộ việc Anh rời EU (Brexit) như ông Trump đã làm.

Thanh Văn