“Mất gốc” chứ chẳng chơi!

Thứ hai, 24/08/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Chú Tư là thổ địa ở đây chắc biết nhà Bríu Út, Pơloong Nhỏ... ?

- Ôi, ngày bữa gì mấy nhà này. Có cần chú dẫn đi ngay không?

- Thong thả đã, cũng không vội lắm. Chú cháu mình nói chuyện cái đã, lâu lắm rồi mới gặp nhau nhỉ.

- Thích nói chuyện thì nói chuyện. À, mà vài năm nữa, cậu lên đây mà hỏi những cái tên như thế chắc chẳng ai biết đâu.

- Ủa sao kỳ vậy chú Tư. Mấy cái tên này phổ thông ở đồng bào Cơ Tu mình mà?

- Ôi, cậu sao lạc hậu vậy cà. Phổ thông là ngày xưa thôi. Bây giờ hiện đại lắm rồi, đồng bào Cơ Tu mình đặt tên cho con toàn tên... “độc” không à, nên cả một thế hệ nhí hiện tại ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) này mang những cái tên nửa Cơ Tu, nửa... Hàn Quốc vui lắm. Như Pơloong San Diu, A Lăng Na Ra, Briu Thị Hy Su, Riah Thị Su U, Blup Thị Na Su, Pơloong San Ốc, Bling Giang Gun ... đọc đến trại cả miệng.

- Thiệt hông chú Tư?

- Bộ ta đùa cậu à. Không tin cứ đến UBND các xã, mượn sổ hộ tịch mà coi.

Câu chuyện chú Tư kể với Bề Tui chẳng đùa, mà là sự thật 100%. Không chỉ 1, 2 trường hợp mà có đến cả nhà 3, 4 đứa con mang tên những nhân vật trong những bộ phim của Hàn Quốc. Thậm chí có những ông bố, bà mẹ còn “cam kết” nếu đẻ nữa thì cũng kiếm thêm tên diễn viên Hàn Quốc mà đặt... Trong số này, có cả nhiều đứa trẻ là con của cán bộ xã cũng được đặt tên theo phim.

Lý giải về chuyện này, một quan chức UBND H. Tây Giang, nói: “Có lẽ thời gian qua, truyền hình chiếu nhiều phim Hàn Quốc quá, đồng bào xem và bị ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng, lối sống mà cụ thể là việc đặt tên con theo diễn viên, nhân vật trong phim”. Ở góc độ văn hóa, dù hiện tượng trên chỉ mới manh nha xuất hiện, nhưng về lâu dài, chưa biết phim truyền hình Hàn Quốc sẽ tác động, biến động như thế nào đến đời sống văn hóa của đồng bào. Để tránh sự lan tỏa do “bắt chước” cũng là giữ gìn nét văn hóa bản địa, H. Tây Giang sẽ khảo sát chỉ đạo cơ quan chức năng vận động bà con đặt tên theo tiếng Cơ Tu, vừa gần gũi vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc.

Vẫn biết, từ các luồng thông tin đại chúng (phim, ảnh) về đến tận các bản làng, đồng bào Cơ Tu có thêm vốn kiến thức rất bổ ích. Thế nhưng, không phải cái gì cũng có thể “lấy ra” áp dụng vào cuộc sống được. Rõ ràng, sức tác động đối với đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu ở H. Tây Giang qua những bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã vượt khỏi tưởng tượng của nhiều người, kể cả người làm công tác văn hóa, truyền thông mà chuyện các ông bố, bà mẹ Cơ Tu trẻ vì “nghiện” phim Hàn Quốc mà đặt tên con theo tên các diễn viên Hàn Quốc là một minh chứng.

Thiết nghĩ, nếu các cấp chính quyền không sớm có biện pháp tuyên truyền, khắc phục thì e rằng, một mai văn hóa Cơ Tu theo xu hướng “Hàn Quốc hóa” là điều khó tránh khỏi. Rồi mai kia, mốt nọ người Cơ Tu có còn nhận ra người Cơ Tu?

Bề Tui