Quá hạn vẫn không thu hoạch

Thứ sáu, 11/12/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Ai mà lạ vậy?

- Sự thật vô lý đó đang xảy ra tại xã Lộc Bình (H. Phú Lộc, TT-Huế) quê tui chứ đâu. Sau trận lũ lịch sử năm 1999, nhằm tạo điều kiện giúp dân ở các vùng sâu, vùng xa tái sản xuất, sớm khôi phục phát triển kinh tế, UBND tỉnh TT-Huế đã cấp 65ha đất rừng cho 61 hộ dân ở xã Lộc Bình sản xuất đồng thời còn hỗ trợ 850 ngàn đồng/ha, nhằm từng bước cải tạo môi trường sinh thái. Khi chủ trương này được triển khai, rất nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký được trồng. Theo chu kỳ, rừng trồng sau 5 năm sẽ cho thu hoạch. Thế nhưng, bây giờ rừng trồng ở Lộc Bình đã hơn 10 năm, quá già cỗi nhưng các hộ dân vẫn không chịu thu hoạch.

- Chắc cũng phải có nguyên nhân sâu xa gì chứ ai lại lãng phí thế?

- Vừa rồi NXD cũng đã có thăm hỏi một vài hộ thì được biết, phần lớn số người không chịu thu hoạch là vì... lỗ. Như ông Nguyễn Ngọc Đình, ở thôn Hà An (xã Lộc Bình), người có 3,6ha rừng theo dự án, cho rằng: "Giờ chừ thu hoạch thì lỗ là cái chắc, bởi các trận bão vừa qua đã làm gãy đổ khoảng một nửa diện tích, số còn lại bán không được bao nhiêu mà tiền chi phí vận chuyển thì quá xa. Chưa kể, công chăm sóc gần chục năm nay".

Còn theo ông Trần Đăng, một chủ hộ trồng rừng khác, thì: "Giá trị thực tế của khu rừng trồng giờ chỉ còn lại rất ít nhưng khi thu hoạch phải nộp ngân sách 65% để đầu tư cho công tác trồng và quản lý bảo vệ rừng, nộp 3% để bổ sung kinh phí quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng của địa phương, cuối cùng người trồng rừng chỉ hưởng lợi 32%. Vì vậy, dân ở đây không thiết tha thu hoạch".

- Rứa không lẽ chính quyền cũng bó tay nhìn?

- Thời gian gần đây, lãnh đạo xã Lộc Bình đã nhiều lần tổ chức họp dân, đề nghị bà con tiến hành thu hoạch rừng nhưng người dân không đồng tình. Vì thế, tình trạng rừng quá tuổi kéo dài ngày càng bị tổn thất nhiều hơn. Chỉ riêng cơn bão số 9 vừa rồi, có đến 30% diện tích trong số 65ha bị gãy đổ, thiệt hại lên đến tiền tỷ. Thực ra theo tìm hiểu của NXD thì những toan tính đó mới chỉ theo phỏng đoán "so hơn tính thua" của người dân chứ chưa hề có một sự khảo sát, tính toán nào cụ thể về giá trị của diện tích rừng hiện tại.

- Dù gì thì theo NXD, điều đáng lo ngại nhất là diện tích rừng này đã già, không còn sức để phát triển, đang ngày một hư hại theo thời gian. Chưa kể rừng trồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không chịu khai thác dẫn đến lãng phí tiền của của Nhà nước, công sức của chính người dân, đồng thời ảnh hưởng đến việc tái tạo rừng sau này. Trong khi nhiều người dân ở các địa phương khác không có đất để trồng rừng thì hàng chục héc-ta đất rừng ở xã Lộc Bình đang bị "treo". Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên đề xuất lên huyện, tỉnh và sớm có phương án triển khai tận thu, để có đất phân chia cho các hộ dân có đủ năng lực trồng mới, nhằm giải quyết bài toán an sinh chứ.

N.X.D